Chuyện dùng trực thăng sửa chữa đường dây 500 kV
Thực hiện nhiệm vụ của Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (nay là Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN) giao, ngày 16/3/1996, Công ty Truyền tải điện 2 đã tổ chức kiểm tra đường dây 500 kV, sửa chữa dây chống sét cáp quang OPGW bằng máy bay trực thăng tại vị trí cột số 2204-2205 đường dây 500 kV trên địa bàn xã Đăk Uy - huyện Đăk Hà tỉnh Kon Tum, thuộc Truyền tải điện Kon Tum - Gia Lai quản lý.
Đây là lần đầu tiên ngành Điện Việt Nam sử dụng phương tiện hiện đại để kiểm tra và sửa chữa đường dây điện cao thế. Nhận thức được tầm quan trọng của công việc, ông Nguyễn Hà Đông - Giám đốc Công ty Truyền tải điện 2 đã thành lập Ban chỉ đạo kiểm tra đường dây và sửa chữa dây chống sét do đồng chí Đàm Quang Vinh, khi đó là Phó Giám đốc Công ty Truyền tải điện 2 làm Trưởng ban.
Ban chỉ đạo kiểm tra đường dây đã chỉ đạo các phòng ban, đơn vị liên quan làm công tác chuẩn bị và lập phương án thực hiện, quan hệ với các đơn vị trong và ngoài ngành có liên quan để cùng phối hợp trong công tác rà phá bom mìn, phòng cháy chữa cháy. Công ty đã trực tiếp làm việc với Công ty bay dịch vụ hàng không VASCO tại thành phố Hồ Chí Minh để tìm hiểu các vấn đề liên quan đến việc kiểm tra sửa chữa đường dây 500 kV bằng loại máy bay AS355 F2. Loại máy bay AS355 F2 thích hợp cho người kiểm tra vì ghế ngồi bên trái phía trước của máy bay có thể mở thông cửa để đảm bảo việc kiểm tra khi bay tới vận tốc 120 km/h.
Công ty cũng đã cung cấp cho VASCO sơ đồ tuyến đường dây 500 kV (đoạn Phú Lâm - Pleiku - Đăk Uy - Đèo Lò Xo) và các thông tin, số liệu cần thiết về đường dây 500 kV như địa hình tuyến đường dây, chiều cao cột, khoảng cách giữa các pha, khoảng cách giữa dây dẫn và dây cáp quang; đo đạc kích thước, tham khảo ý kiến tổ lái máy bay để chế tạo platform phù hợp cho việc sửa chữa đường dây mà không bị máy bay ảnh hưởng cũng như không ảnh hưởng đến máy bay… Ngoài ra Ban chỉ đạo tổ chức chiếu phim tư liệu về sửa chữa đường dây cao thế bằng máy bay của Australia để phía VASCO nghiên cứu chuẩn bị trước các phương án liên quan đến việc kiểm tra đường dây và sửa chữa dây chống sét bằng máy bay.
Về phía Công ty Truyền tải điện 2, công tác chuẩn bị nhân sự cho công việc trực tiếp sửa chữa trên đường dây cũng hết sức khẩn trương và thận trọng. Một mô hình giả được thiết kế dưới mặt đất để phục vụ cho sự huấn luyện với những yêu cầu nghiêm ngặt giống hệt trên máy bay trực thăng như tần số rung lắc, tiếng ồn, áp lực gió… Đặc biệt là chuẩn bị yếu tố tâm lý, sức khỏe, công tác tư tưởng cho người trực tiếp thao tác, các phương án thay người trong điều kiện cần thiết, công tác hậu cần. Tổ công tác được Công ty tổ chức huấn luyện sửa chữa bao gồm 4 công nhân Đinh Phú Long, Trần Mạnh Hà, Trần Quốc Phi và Ngô Ngọc Ngân.
Người được giao trực tiếp thao tác sửa chữa dây chống sét trên không là Đinh Phú Long, một công nhân bậc ba còn rất trẻ, đã được đào tạo nghiệp vụ tại Ucraina.
Sau khi nghiên cứu rà soát tất cả các yếu tố liên quan đến công việc, được sự đồng ý của lãnh đạo EVN, Công ty cùng với VASCO ký kết hợp đồng bay và hoàn chỉnh kế hoạch thực hiện chương trình bao gồm: Kiểm tra đường dây 500 kV từ thành phố Hồ Chí Minh đến Trạm biến áp 500 kV Pleiku và sửa chữa dây chống sét cáp quang OPGW bằng máy bay tại vị trí cột số 2204-2205. Trước và trong quá trình triển khai, các Công ty Truyền tải điện 2, 3 và 4 đã duy trì quan hệ thông tin thường xuyên để quá trình thực hiện các phương án theo đúng kế hoạch.
Đúng 7 giờ 30 phút ngày 16/3/1996, tại sân bay Tân Sơn Nhất thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí Bùi Thúc Khiết - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực Việt Nam, Trưởng ban Kỹ thuật lưới điện, ban An toàn EVN, đại diện Công ty Truyền tải điện 2 và Công ty Truyền tải điện 3 cùng với phóng viên Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh đã lên bay kiểm tra đường dây 500 kV đoạn Đăk Nông - Pleiku. Sau khi máy bay hạ cánh xuống sân bay Pleiku, Công ty Truyền tải điện 2 tiến hành gắn Platform vào máy bay để đến vị trí sửa chữa.
Tại Đăk Uy (Đăk To - Kom Tum), sau khi kiểm tra lần cuối các dụng cụ, phương tiện phục vụ sửa chữa, ngoài lãnh đạo Công ty, nhóm công tác còn có tôi, Huỳnh Sỹ Bình (TTĐ Kom Tum – Gia Lai), và công nhân Đinh Phú Long.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ, lãnh đạo Công ty đã chỉ đạo nhóm công tác trên máy bay thực hiện công việc qua hệ thống thông tin liên lạc vô tuyến. Lúc 13 giờ 30 phút cùng ngày, công việc sửa chữa dây chống sét được bắt đầu tiến hành, sau 58 phút bay treo thực hiện sửa chữa, vết đứt của dây chống sét đã được vá xong đúng quy định, quy phạm đúng theo phương án dự kiến ban đầu. Kết thúc công việc sửa chữa đường dây 500 kV, người và phương tiện, dụng cụ đều được bảo đảm an toàn. Công ty bay dịch vụ Hàng không VASCO và 2 phi công người Mỹ đã thực hiện đúng kế hoạch hợp đồng bay và phục vụ tận tình chu đáo các mặt. Song do đây là lần đầu tiên thực hiện công việc này nên khoảng 20 phút đầu còn bỡ ngỡ và túng túng khi rà tìm đường dây từ trên không cũng như khi bay treo để sửa chữa.
Để thực hiện tốt việc sử dụng máy bay trực thăng để kiểm tra và sửa chữa đường dây 500 kV Công ty đã chọn thời điểm đăng ký thích hợp và phối hợp tốt từ Trung tâm điều độ Quốc gia, Điều độ Công ty Truyền tải điện 2 và các nhóm trực thông tin tại địa điểm sửa chữa nên đảm bảo đường dây cắt điện trong thời gian ngắn nhất. Tổng thời gian cắt điện đường dây là 01 giờ 50 phút, thời gian bay treo để sửa chữa là 58 phút. Trong thời điểm đó, chủ trương dùng máy bay trực thăng để kiểm tra và sửa chữa đường dây 500 kV với những trang thiết bị hiện đại là cần thiết và phù hợp.
Sự kiện này đã đánh dấu một bước ngoặt lớn trong ngành Điện Việt Nam về việc tiếp cận với cộng nghệ tiên tiến của Thế giới. Mở ra một bước tiến mới về sử dụng công nghệ hiện đại, ngoài việc sử dụng máy bay để sửa sữa đường dây, sau này Công ty đã tiếp tục sử dụng máy bay trực thăng để kiểm tra đường dây 500 kV từ Pleiku - Hà Tĩnh, chuyên chở vật tư, lương thực ứng cứu các trường hợp khẩn cấp và xử lý sự cố đường dây 500 kV.
Đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 1 là công trình đường dây truyền tải điện năng siêu cao áp 500kV đầu tiên tại Việt Nam có tổng chiều dài 1.487 km, kéo dài từ Hòa Bình đến Thành phố Hồ Chí Minh. Mục tiêu xây dựng công trình là nhằm truyền tải lượng điện năng dư thừa từ Miền Bắc Việt Nam (từ cụm các nhà máy thủy điện Hòa Bình, Thác Bà; nhiệt điện Phả Lại, Uông Bí, Ninh Bình) để cung cấp cho miền Nam Việt Nam và miền Trung Việt Nam lúc đó đang thiếu điện nghiêm trọng, đồng thời liên kết hệ thống điện cục bộ của ba miền thành một khối thống nhất. |
Trần Thanh Phong - Petrotimes
Bài viết khác
- Cuộc tranh tài giữa máy cắt SF6 và máy cắt chân không
- EVNNPC chú trọng mục tiêu giảm tổn thất điện năng trong năm 2015
- Kéo cáp ngầm xuyên biển như thế nào
- Ứng dụng thiết bị, công nghệ mới vào công tác quản lý kỹ thuật
- Công nghệ giảm cắt điện định kỳ: An toàn, hiệu quả
- Ứng dụng công nghệ sửa chữa đường dây 500kV không cần cắt điện
- Sửa chữa không cần cúp điện